Hướng dẫn bảo quản, bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng trên ô tô đúng cách

Một trong những bộ phận quan trọng trên ô tô phải kể đến là hệ thống chiếu sáng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách bảo quản và bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng trên ô tô đúng cách. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!

Dấu hiệu nhận biết hệ thống đèn chiếu sáng trên ô tô bị lỗi

Dưới đây là một dấu hiệu nhận biết hệ thống chiếu sáng trên ô tô bị hỏng giúp người lái nhận biết sự cố nhanh chóng và có phương án xử lý kịp thời:

Đèn pha bị hấp hơi nước

Tình trạng đèn pha bị hấp hơi nước xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do các mối nối của đèn không được tháo lắp đúng kỹ thuật, gioăng cao su không khớp, khiến đèn bị lỏng, hở làm hơi nước lọt vào bên trong. Tình trạng này khiến hơi nước bám vào mặt trong của khoang đèn pha, khiến đèn bị mờ, tối.

Ngoài ra, khi các bạn rửa xe với tia nước lớn hoặc di chuyển trong thời tiết mưa bão cũng là một trong những nguyên nhân khiến đèn pha bị hấp hơi nước, làm giảm hiệu quả chiếu sáng.

Đèn nội thất bị hỏng

Đèn nội thất gồm các loại như đèn trần (đèn vòm) nằm trên trần khoang xe, đèn bản đồ ở gần kính chắn gió và đèn bảng điều khiển nằm ở phần viền, hỗ trợ người lái dễ dàng theo dõi thông tin. Nó được trang bị nhằm chiếu sáng cho khoang cabin, hỗ trợ quá trình lái và phục vụ những hoạt động khác của người ngồi trên xe một cách thuận tiện.

Đèn nội thất ô tô bị hỏng sẽ gây ra nhiều bất tiện khi lái xe. Vì thế, chủ phương tiện nên mang xe tới các trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra nếu thấy đèn xe có những hiện tượng hoạt động không ổn định, tắt đột ngột khi sử dụng.

Đèn soi biển số bị hỏng

Đèn soi biển số là những loại đèn bắt buộc phải có ở ô tô khi tham gia giao thông, nhằm hạn chế những sự cố đáng tiếc. Nếu chủ xe thấy đèn hoạt động không ổn định

(nhấp nháy liên tục, sáng chậm, giảm cường độ sáng, đèn không sáng) thì nên kiểm tra lại bóng đèn, kết nối điện, các mối dây nối và công tắc rơ-le của hệ thống.

Đèn pha gặp sự cố

Nếu chủ xe gặp trường hợp đèn pha không tự tắt sau khi đã tắt động cơ, hoặc sáng khi hệ thống đèn ban ngày (đèn DLR) đang bật thì có thể do nguyên nhân có lỗi rơ-le đèn, chập công tắc. Lúc này, chủ xe hãy ngắt kết nối cáp âm của ắc quy xe, ngắt cầu chì đèn pha hoặc rơ-le. Trong trường hợp đèn pha ô tô không sáng thì chủ xe cần nhanh chóng đưa xe tới gara để sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn.

Đèn ô tô bị ố vàng

Do tác động của thời tiết nhiệt độ, bụi bẩn sẽ làm phần ốp nhựa bên ngoài khoang đèn bị mờ làm xuất hiện hiện tượng đèn ô tô bị ố vàng, khiến hiệu quả chiếu sáng của đèn giảm xuống. Lúc này, chủ xe cần làm sạch đèn ô tô bằng cách sử dụng một tấm khăn vải cotton hoặc cọ/bàn chải lông mềm nhúng dung dịch tẩy rửa kính chuyên dụng, kem đánh răng hay hỗn hợp baking soda – dấm, nhẹ nhàng làm sạch và đánh bóng bề mặt đèn xe.

Hướng dẫn bảo quản và bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng trên ô tô

Dưới đây là một số gợi ý giúp chủ phương tiện dễ dàng hơn trong việc bảo quản và bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng trên ô tô, cụ thể:

Thường xuyên kiểm tra hoạt động của hệ thống đèn

Để đảm bảo đèn ô tô hoạt động ổn định, giảm thiểu sự cố bất ngờ, chủ xe nên chú ý kiểm tra đèn mỗi khi khởi động xe và thường xuyên theo dõi tình trạng hoạt động của hệ thống. Đèn sáng chậm, chập chờn, giảm độ sáng so với bình thường hay thường xuyên nhấp nháy thì nhiều khả năng cần kiểm tra lại hệ thống đèn (dây nối, rơ-le, cầu chì, bóng,…)

Vệ sinh đèn đúng cách

Chủ phương tiện nên vệ sinh dàn đèn thường xuyên (đèn pha, đèn trước, đèn hậu,…). Ngoài ra, khi rửa xe, chủ xe nên tránh phun tia nước quá mạnh, khiến nước lọt vào khoang đèn gây nên hiện tượng đèn bị hấp hơi nước.

Không tự ý tháo lắp đèn xe

Chủ xe không nên tự ý tháo lắp đèn xe tại nhà mà nên để thợ sửa xe chuyên nghiệp kiểm tra, thay đèn ô tô. Bởi vì, nếu tháo lắp đèn xe không đúng kỹ thuật có thể khiến khoang đèn bị lệch, hở dẫn tới ngấm nước, dễ va chạm. Ngoài ra, không đeo găng tay khi tháo lắp đèn xe nên dễ để lại vết dầu mỡ, dấu vân tay,.. trên bề mặt bóng đèn và có thể khiến nhiệt từ bóng đèn tỏa ra không đều, gây cháy nổ bóng.

Sử dụng đèn thay thế từ các thương hiệu uy tín

Chủ xe nên sử dụng đèn thay thế từ các thương hiệu uy tín bởi việc thay thế những thiết bị phụ tùng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường có thể dẫn tới nguy cơ cháy, nổ bóng đèn, chập mạch, hỏng hóc trong quá trình sử dụng.

Lựa chọn địa chỉ bảo dưỡng uy tín, chất lượng

Chủ xe nên tới những cửa hàng phụ kiện lớn hoặc trung tâm bảo dưỡng của hãng xe khi cần kiểm tra xe định kỳ, thay mới phụ tùng hay bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô.

Tóm lại, khi đèn chiếu sáng ô tô bị lỗi, hỏng không chỉ gây nên những bất tiện cho người lái mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho những phương tiện khác. Khi thấy hiện tượng hệ thống đèn chiếu sáng trên ô tô bị lỗi, hỏng, chủ xe cần nhanh chóng xử lý, nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Để lại một bình luận