Trên xe ô tô, túi khí là một trong những hệ thống an toàn quan trọng. Túi khí giúp hạn chế chấn thương cho người ngồi trong xe khi có va chạm xảy ra. Thế nhưng, nhiều người vẫn không biết cấu tạo của túi khí, cũng như cơ chế hoạt động của nó. Hãy tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!
Sự quan trọng của túi khí
Từ những năm 50, túi khí đã được hình thành và phát triển, đến năm 1971 túi khí được chính thức được sử dụng. Trải qua nhiều năm, nhiều sự cải tiến, túi khí dần khắc phục những nhược điểm và hạn chế.
Trong quá trình tham gia giao thông, nếu tai nạn xảy ra mà người ngồi trong xe không bị chấn thương nặng thì trên xe phải đảm bảo được hai yếu tố là giữ cho cabin xe ít bị biến dạng và đồng thời giảm thiểu chấn thương do hành khách bị “quăng quật” bên trong cabin khi xảy ra tai nạn. Và chính các thiết bị an toàn thụ động sẽ đảm bảo điều này bao gồm thân xe, đai an toàn và túi khí. Do đó, túi khí là một bộ phận rất quan trọng của xe ô tô.
Cấu tạo của túi khí
Túi khí được cấu tạo từ ba bộ phận chính: Túi chứa khí, hệ thống tạo khí và bộ cảm biến va chạm.
Túi khí được làm từ chất liệu là loại vải co giãn hoặc một vật liệu nhằm đảm bảo được khả năng thu gọn lại trong các vị trí cần thiết trên xe để nó dễ dàng bung ra khi cần thiết. Nếu không may xảy ra va chạm hay tai nạn giao thông, túi khí được bơm phồng gần như ngay lập tức với thời gian chỉ tính bằng mili giây nhằm bảo vệ các bộ phận quan trọng trên cơ thể của người ngồi trên ô tô.
Trên xe ô tô, những vị trí đặt túi khí thường được ký hiệu là SRS. Nếu va chạm xảy ra, dây an toàn giúp hãm dần vận tốc theo quán tính của người ngồi trong xe và do đó giảm lực tác động lên người họ. Khi túi khí bung ra sẽ giúp hạn chế khả năng va đập của vùng đầu với các vật thể khác trong xe, đồng thời hấp thụ một phần lực ảnh hưởng tới người lái và hành khách.
Cơ chế hoạt động của túi khí
Kể từ khi xe gặp va chạm cho đến khi túi khí bung, hệ thống túi khí trải qua 3 giai đoạn chính.
Giai đoạn thứ nhất, hệ thống điều khiển chính (ACU) điều khiển các cảm biến va chạm, gia tốc, tốc độ và áp lực phanh,… để nhận biết mức độ ảnh hưởng. Đến khi con số này vượt quá giá trị quy định thì ngòi nổ trong bộ thổi mới đánh lửa.
Giai đoạn thứ hai, ngòi nổ sản sinh dòng điện có cường độ từ 1A đến 3A trong vòng dưới 2 mili giây để đốt chất mồi lửa và hạt tạo khí để tạo ra lượng khí lớn trong thời gian ngắn.
Giai đoạn thứ ba, túi khí được bơm căng để giảm tác động lực người ngồi trên xe và ngay lập tức khí đó thoát ra ở các lỗ xả phía sau.
Những tình huống túi khí không hoạt động
Có một số trường hợp, túi khí đôi khi không hoạt động khi xe va chạm với vật biến dạng hoặc đang dịch chuyển. Cụ thể, nếu xe đang đứng yên, túi khí có thể không hoạt động khi va chạm từ phía trước với xe có trọng lượng tương đương đang di chuyển ở tốc độ 40-50 km/h. Hay khi xe đang đứng yên, túi khí có thể không hoạt động khi va chạm lệch tâm hoặc dưới một góc, ngay cả khi tốc độ va chạm cao hơn so với trường hợp mô tả ở trên.
Một số trường hợp, xe ô tô đang di chuyển ở tốc độ 30-35 km/h túi khí có thể không hoạt động khi va chạm với cây nhỏ hoặc vật có thể di chuyển. Hoặc túi khí cũng có thể không hoạt động trong trường hợp xe va chạm với lực hướng xuống phía dưới như trong va chạm với gầm xe tải.
Một số lưu ý về túi khí bạn nên biết để đảm bảo an toàn
- Thứ nhất, người trong xe không để hoặc lắp thêm đồ vật trên hệ thống túi khí của lái xe và hành khách phía trước vì hệ thống túi khí khi nổ sẽ có tốc độ rất nhanh cũng như tạo ra lực rất mạnh.
- Thứ hai, túi khí sau khi nổ sẽ rất nóng nên mọi người không nên chạm vào các bộ phận bên trong túi khí sau khi nổ vì sẽ khiến bạn bị bỏng.
- Thứ ba, mọi người không bao giờ được được dùng ghế trẻ em lắp quay lưng về phía trước đối với xe có trang bị túi khí ghế hành khách phía trước.
- Thứ tư, mọi người không được cho trẻ em dưới 12 tuổi ngồi ở hàng ghế phía trước. Bởi vì, khi hệ thống dây đai không đủ điều kiện (lực kéo) để hoạt động, khi hệ thống túi khí bung ra, túi khí sẽ đập vào người trẻ nhỏ vô cùng nguy hiểm.
- Thứ năm, tài xế nên tập cách ngồi đúng vị trí, cầm vào vành tay lái, không nên để tay lên hệ thống túi khí, còn người ngồi trên xe cũng không nên ngồi quá gần hệ thống túi khí.
Tóm lại, với những chia sẻ trên, mọi người có thể nhận thấy tầm quan trọng của túi khí, cũng như biết được cơ chế hoạt động của túi khí. Chúc các bạn thượng lộ bình an trên mọi nẻo đường.