Tình trạng ô tô bị hao hụt nước làm mát trong quá trình sử dụng không còn xa lạ với nhiều chủ xe. Điều này có thể dẫn tới việc động cơ quá nhiệt, gây hư hỏng nghiêm trọng, bó máy, thậm chí là cháy nổ. Vậy đâu là nguyên nhân nào gây ra hiện tượng này và cách xử lý thế nào?
Tác hại của việc hao nước làm mát
Hệ thống làm mát đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhiệt độ ổn định cho động cơ. Khi nước làm mát bị hao hụt, có thể gây ra một số vấn đề sau:
- Xe khó khởi động và rung giật: Nước làm mát tràn vào buồng đốt có thể khiến động cơ gặp khó khăn khi khởi động, đồng thời rung lắc trong quá trình hoạt động.
- Mùi khét và khói: Nước làm mát cạn kiệt sẽ khiến nhiệt độ động cơ tăng cao. Từ đó dẫn tới hiện tượng phớt bị cháy, gây ra mùi khét và khói từ hệ thống.
- Hư hỏng nghiêm trọng: Nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ bó máy, mặt quy lát bị biến dạng và gioăng cao su bị hỏng. Thậm chí, nước có thể xâm nhập vào piston, dẫn tới hỏng hóc nghiêm trọng.
Cách xử lý tình trạng ô tô bị hao nước làm mát
Việc phát hiện sớm tình trạng hao hụt nước làm mát và có biện pháp khắc phục kịp thời là rất quan trọng.
- Kiểm tra định kỳ: Trước mỗi chuyến đi, hãy mở nắp ca-pô, kiểm tra mức nước làm mát trong bình phụ. Mực nước nằm giữa vạch Max và Min là hợp lý. Nếu thấp hơn mức Min, hãy bổ sung ngay.
- Theo dõi nhiệt độ: Trong quá trình lái xe, bạn cần chú ý tới kim nhiệt độ. Nếu kim chỉ sang mức Hot, hãy dừng xe ngay lập tức. Đồng thời mở nắp ca-pô để hạ nhiệt động cơ. Sau đó, tiến hành kiểm tra hệ thống làm mát để xác định vấn đề.
- An toàn trước khi mở nắp bình: Khi động cơ quá nóng, bạn không mở nắp bình nước phụ ngay. Bởi lúc này, áp suất và nhiệt độ cao có thể gây bỏng.
- Sử dụng dung dịch làm mát đúng cách: Hãy lựa chọn dung dịch làm mát phù hợp với dòng xe.
- Mang xe tới trung tâm sửa chữa: Nếu phát hiện dấu hiệu hỏng hóc nghiêm trọng, hãy mang xe tới gara uy tín để kiểm tra và sửa chữa.
Cách thay nước làm mát xe ô tô
Thay nước làm mát trên đường
Trường hợp có thể dừng xe an toàn
Nếu động cơ quá nóng và bạn có thể dừng xe an toàn, hãy lần lượt thực hiện theo các bước sau:
- Dừng xe và mở nắp ca-pô: Tấp xe vào lề và tắt máy. Mở nắp ca-pô để động cơ nguội nhanh.
- Không mở nắp két nước ngay: Để tránh bị bỏng, hãy chờ cho đến khi nhiệt độ hạ xuống.
- Kiểm tra mực nước làm mát: Khi động cơ nguội, mở nắp két nước và kiểm tra mức nước làm mát.
- Tìm vị trí rò rỉ: Quan sát các đường ống và gầm xe xem có dấu hiệu rò rỉ không? Nếu không thì bạn chỉ cần bổ sung nước là được.
Trường hợp không thể dừng xe
Nếu buộc phải tiếp tục di chuyển thì bạn hãy thực hiện các bước sau:
- Tắt điều hòa: Điều hòa làm tăng tải cho động cơ, chính vì vậy hãy tắt nó ngay lập tức.
- Chuyển sang chế độ nóng: Nhanh chóng bật chế độ sưởi và mở quạt tối đa để giảm nhiệt cho động cơ.
- Giảm tốc độ di chuyển: Hãy di chuyển chậm lại, đồng thời thường xuyên dừng nghỉ để động cơ nguội.
- Tắt động cơ nhưng không tắt điện: Giữ cho bộ sưởi hoạt động, giúp động cơ giải phóng nhiệt.
Thay nước làm mát tại nhà
Chủ xe hoàn toàn có thể tự thay nước làm mát tại nhà với các bước như sau.
- Chuẩn bị dụng cụ: Nước sạch, dung dịch làm mát, tua vít, phễu, trang phục bảo hộ.
- Xả nước làm mát cũ: Chờ động cơ nguội, mở nắp bình tản nhiệt, xả hết nước cũ ra ngoài.
- Rửa bình chứa: Đổ nước sạch vào, sau đó khởi động xe trong vài phút để làm sạch.
- Pha hỗn hợp nước làm mát: Thực hiện pha chế dung dịch làm mát theo hướng dẫn.
- Đổ dung dịch vào bình: Đổ hỗn hợp nước làm mát vào bình chính và phụ.
- Khởi động xe và theo dõi nhiệt độ: Theo dõi kim nhiệt, đảm bảo mọi thứ hoạt động bình thường.
- Châm đầy bình nếu cần: Sau khi nước làm mát rút, châm thêm vào cả bình chính và bình phụ.
- Xử lý nước thải: Thu gom nước làm mát cũ và xử lý theo quy định.
Nước làm mát không chỉ giúp bảo vệ động cơ mà còn nâng cao tuổi thọ cho xe. Chính vì vậy, hãy luôn chú ý tới những dấu hiệu bất thường, có phương án tiếp nước hoặc thay nước làm mát kịp thời, tránh tình trạng nước cạn quá mức quy định.