Xe bị sập gầm là tình trạng ô tô rơi vào những khu vực sâu, khiến 1 hoặc tất cả các bánh xe không còn tiếp xúc với mặt đất. Sự cố này có thể dẫn tới những tổn hại nghiêm trọng như hỏng trục lái, vỡ hộp số hoặc lốc máy. Do đó, bạn cần phát hiện sớm, có cách xử lý kịp thời để hạn chế thiệt hại.
Dấu hiệu nhận biết ô tô có nguy cơ sập gầm
Nhiều tài xế thường bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo xe của họ có thể bị sập gầm. Nếu phát hiện sớm, bạn hoàn toàn có thể thực hiện bảo trì kịp thời, giảm thiểu rủi ro cho “xế yêu”.
- Tiếng động lớn dưới gầm: Khi xe di chuyển qua những đoạn đường gồ ghề, bạn nghe thấy tiếng động bất thường. Điều này có thể do cao su bị lão hóa, khiến hệ thống treo và lái trở nên lỏng lẻo.
- Vô lăng rung lắc khi chạy nhanh: Tình trạng này thường xảy ra khi xe di chuyển với tốc độ 50-60 km/h.
- Âm thanh lạ phát ra từ hệ thống xả: Nếu đai ốc giữ ống xả bị lỏng, hoặc cao su xuống cấp, hệ thống xả có thể rò rỉ và phát ra âm thanh lạ.
- Lốp xe mòn bất thường: Hiện tượng mòn lốp không đều thường xảy ra khi góc đặt bánh xe đã bị sai lệch do sập gầm.
- Hiệu quả của phanh giảm: Nếu thấy phanh cứng, không ăn hoặc có tiếng kêu lạ, đây chính là những dấu hiệu cho thấy xe có nguy cơ bị sập gầm.
- Gầm xe rò rỉ nước: Hiện tượng này thường xảy ra khi có rò rỉ dầu nhớt hoặc nước từ hệ thống làm mát.
Hậu quả của việc xe bị sập gầm
Tình trạng sập gầm hoặc cạ gầm xe có thể gây ra nhiều tác động xấu tới những bộ phận khác của ô tô. Cụ thể như sau:
- Hệ thống treo bị ảnh hưởng: Ống lót trong hệ thống treo có thể bị mòn, phát ra tiếng động khi xe di chuyển. Từ đó gây ảnh hưởng tới khả năng đánh lái.
- Hư hại ốp gầm và giảm xóc: Khi xe bị va chạm mạnh, các bộ phận này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Lớp phủ gầm bị ăn mòn: Tạo điều kiện thuận lợi cho nước và các chất oxy hóa tấn công vào các bộ phận dưới gầm xe, làm giảm tuổi thọ.
- Trục lái bị hư hại: Sập gầm có thể tạo ra vết lõm trên trục lái. Từ đó, làm giảm khả năng cân bằng của xe, gây ra tiếng kêu lạ hoặc rung lắc khi vận hành.
- Lệch góc bánh xe: Việc sập gầm thường xuyên có thể khiến vị trí bánh xe bị lệch, dẫn tới mòn lốp nhanh chóng và cảm giác lái kém.
- Rò rỉ chất lỏng: Lực tác động mạnh có thể khiến các chất lỏng ở trục lái, thùng dầu, hộp số… bị rò rỉ ra ngoài.
3 bước xử lý xe bị sập gầm hiệu quả
Khi xe gặp sự cố sập gầm, bạn đừng quá lo lắng. Hãy bình tĩnh thực hiện theo 3 bước dưới đây, vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng.
Bước 1: Tắt máy xe
Khi xe không thể di chuyển, hãy tắt máy và đặt cần số ở vị trí P. Trước khi xuống xe kiểm tra tình hình, đừng quên kéo phanh tay để đảm bảo an toàn.
Bước 2: Đánh giá mức độ sập gầm
Tùy thuộc vào tình trạng sập gầm, lựa chọn phương án xử lý phù hợp.
- Xe sập gầm nhẹ: Nếu chỉ 1 bánh bị sập hoặc hố không quá sâu, bạn có thể nhờ sự giúp đỡ từ người xung quanh để đẩy xe ra. Nếu không có ai hỗ trợ, bạn có thể đặt 1 viên gạch hoặc khúc gỗ ở dưới bánh xe và khởi động để xe đi qua hố.
- Sập gầm nghiêm trọng: Trường hợp cả 4 bánh đều bị sập, tốt nhất là gọi dịch vụ cứu hộ để đưa xe ra khỏi hố.
Bước 3: Kiểm tra hư hại
Khi đã đưa được xe ra khỏi hố, bạn hãy kiểm tra mức độ hư hại. Xem có bị rò rỉ dầu hoặc nước làm mát không, kiểm tra gầm xe có bể hay hư hại nghiêm trọng không. Nếu phát hiện các vấn đề nghiêm trọng, hãy gọi cứu hộ để đưa xe đến gara. Nếu không có hư hại nghiêm trọng, bạn có thể tự điều khiển xe tới nơi sửa chữa để kiểm tra và bảo dưỡng thêm.
Chúng tôi hy vọng rằng với những thông tin trên bạn sẽ biết cách ứng phó kịp thời khi xe bị sập gầm. Chúc bạn vạn dặm bình an!