Khi sử dụng xe ô tô, một trong những vấn đề phổ biến mà tài xế có thể gặp phải là động cơ bị quá nhiệt. Để đảm bảo an toàn, tài xế cần nắm rõ cách xử lý kịp thời và hiệu quả khi gặp tình trạng này.
Dấu hiệu ô tô quá nhiệt
Hầu hết các xe ô tô hiện nay đều được trang bị bảng điều khiển với các thông số kỹ thuật quan trọng. Trong đó có cảnh báo về nhiệt độ động cơ. Khi động cơ quá nhiệt, bảng điều khiển sẽ hiển thị một biểu tượng nhiệt kế màu đỏ với các sóng nước ở phía dưới. Đây là tín hiệu cho biết động cơ đang hoạt động ở nhiệt độ cao. Và bạn cần hành động ngay để tránh những tổn thất nghiêm trọng.
Hậu quả của việc động cơ ô tô quá nhiệt
Nếu không được xử lý kịp thời, hiện tượng động cơ quá nhiệt có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Động cơ ô tô thường có tuổi thọ từ 5 đến 7 năm nếu được bảo trì đúng cách. Tuy nhiên, ngay cả một động cơ còn mới cũng không thể chịu được nhiệt độ quá cao trong thời gian dài.
Nhiệt độ quá cao có thể gây ra các vấn đề như:
- Bó kẹt động cơ: Khi động cơ quá nóng, các bộ phận bên trong có thể bị giãn nở không đồng đều, gây ra hiện tượng bó kẹt.
- Các bộ phận bị hư hỏng: Các bộ phận quan trọng như phớt và gioăng có thể bị hư hỏng do nhiệt độ cao. Từ đó, khiến rò rỉ dầu hoặc nước làm mát.
- Hỏng hệ thống làm mát: Nếu hệ thống làm mát bị quá tải liên tục, nó có thể bị hư hỏng. Và một khi xe không được làm mát hiệu quả, tình trạng quá nhiệt sẽ lặp lại.
Nguyên nhân khiến động cơ ô tô quá nhiệt
Để xử lý vấn đề động cơ quá nhiệt hiệu quả, bạn cần hiểu rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến:
- Quạt gió hoạt động kém
- Van hằng nhiệt gặp vấn đề
- Ống dẫn nước làm mát bị rò rỉ
- Động cơ thiếu dầu
- Bơm nước không hoạt động
- Hệ thống tản nhiệt gặp vấn đề
- Dây Curoa bị lỗi
Cách xử lý khi xe bị quá nhiệt
Khi phát hiện động cơ bị quá nhiệt, bạn cần thực hiện các bước sau để xử lý vấn đề.
Dừng xe vào lề đường
Ngay khi thấy biểu tượng nhiệt độ trên bảng điều khiển, bạn cần nhanh chóng dừng xe vào lề đường. Bật đèn báo khẩn cấp để cảnh báo các phương tiện khác về tình trạng của xe, giúp tránh xảy ra va chạm.
Kiểm tra động cơ
Chờ chừng 5-10 phút để nhiệt độ động cơ giảm bớt thì tiến hành mở nắp ca-pô để kiểm tra. Tiếp đến hãy mở nắp két nước một cách cẩn thận. Để hơi nóng thoát ra từ từ, bạn có thể mở hé nắp trước khi mở hoàn toàn để tránh bị bỏng do nước sôi bắn lên.
Kiểm tra mức nước làm mát trong két nước. Nếu thấy lượng nước không đủ, hãy thêm nước. Trong trường hợp không có nước làm mát chuyên dụng, bạn có thể sử dụng nước lã tạm thời. Song hãy nhớ thay thế bằng nước làm mát chuyên dụng khi về nhà để đảm bảo hệ thống làm mát hoạt động hiệu quả.
Trường hợp không thể dừng xe ngay được
Nếu bạn không thể dừng xe ngay lập tức do tình trạng giao thông đông đúc, hãy thực hiện các biện pháp sau để giảm nhiệt độ động cơ:
- Mở cửa sổ: Mở tất cả cửa sổ để không khí nóng có thể thoát ra ngoài, giúp làm giảm nhiệt độ trong cabin xe.
- Tắt điều hòa: Thay vào đó hãy bật chế độ quạt tản nhiệt để giảm nhiệt độ động cơ.
- Bật đèn báo khẩn cấp: Bật đèn báo khẩn cấp để thông báo tình trạng khẩn cấp và tìm vị trí an toàn để dừng xe.
Nếu bạn không chắc chắn về tình trạng của xe hãy liên hệ với dịch vụ sửa chữa hoặc gọi xe cứu hộ để đưa xe về gara kiểm tra và sửa chữa.
Động cơ ô tô quá nhiệt là một vấn đề nghiêm trọng có thể dẫn đến hư hỏng đáng kể nếu không được xử lý kịp thời. Bằng cách nắm rõ nguyên nhân gây quá nhiệt và cách xử lý đúng, bạn có thể bảo vệ động cơ và các bộ phận khác của xe khỏi hư hại. Chúc bạn vạn dặm bình an!